• Menu
  • Skip to primary navigation
  • Skip to secondary navigation
  • Skip to main content
  • Skip to primary sidebar

Lagi Happy View Hotel

Khách Sạn Biển Dinh Thầy Thím

  • Giới Thiệu
    • Đặt Phòng
    • Hình Ảnh
  • Lễ Hội Dinh Thầy Thím Năm 2020
  • Du Lịch Lagi
  • Liên Hệ
  • Giới Thiệu
    • Đặt Phòng
    • Hình Ảnh
  • Lễ Hội Dinh Thầy Thím Năm 2020
  • Du Lịch Lagi
  • Liên Hệ

Dinh Thầy Thím – Tổng Hợp Đầy Đủ, Chi Tiết Nhất Tất Cả Thông Tin Bạn Cần Biết

Home » Dinh Thầy Thím – Tổng Hợp Đầy Đủ, Chi Tiết Nhất Tất Cả Thông Tin Bạn Cần Biết

Last Updated October 31, 2020 //  by Thế Nguyễn

Bạn là người thích đi du lịch, đặc biệt là du lịch tâm linh, bạn đã từng nghe hoặc mới biết đến một địa danh tên là “Dinh Thầy Thím”. Bạn muốn đến đó xin lộc cầu an nhưng trước tiên bạn muốn tìm hiểu thật kỹ về địa danh này, bạn đang đọc blog của mình với tất cả thông tin tổng hợp từ nhiều nguồn về địa điểm, lịch sử, truyền thuyết dinh Thầy Thím; các thông tin liên quan về lễ hội dinh Thầy Thím, lễ vật cúng dinh, các khách sạn, nhà nghỉ, địa điểm ăn uống gần dinh Thầy Thím, các bãi biển đẹp, sạch sẽ tại Lagi.

Khuyến cáo: Bài viết của mình sẽ khá dài, nên nếu bạn không muốn đọc hết mà có thắc mắc gì muốn hỏi nhanh, bạn có thể gọi cho mình theo số điện thoại: 0707. 73 75 79 (FB, Zalo)

Bây giờ mình cùng tìm hiểu về Dinh Thầy Thím, một địa điểm tâm linh mà bạn sẽ muốn đến đó ít nhất một lần trong đời nhé.

Contents

  • 1. Dinh Thầy Thím Ở Đâu
  • 2. Đường Đi Dinh Thầy Thím
  • 3. Sự Tích Dinh Thầy Thím
  • 4. Lễ Hội Dinh Thầy Thím
    • 4.1 Nên đi viếng Dinh Thầy Thím vào thời điểm nào?
    • 4.2. Lễ Vật Cúng Dinh Thầy Thím
    • 4.3 Đi dinh Thầy Thím cầu gì?
    • 4.4 Bài Cúng Dinh Thầy Thím
    • 4.5 Xin lộc Dinh Thầy Thím
  • 5. Biển Dinh Thầy Thím
  • 6. Ăn gì, Chơi gì Khi đến Dinh Thầy Thím
  • Kết Luận

1. Dinh Thầy Thím Ở Đâu

Dinh Thầy Thím toạ lạc tại thôn Tam Tân, xã Tân Tiến, thị xã Lagi, tỉnh Bình Thuận, một điểm du lịch tâm linh, một di tích lịch sử văn hoá cấp quốc gia Việt Nam, được công nhận vào ngày 27/9/1997, đến nay đã hơn 22 năm rồi nhé. Về “tuổi đời”, Dinh Thầy Thím đã tồn tại hơn 140 năm, được xây dựng vào ngày 25/12 năm Tự Đức thứ 32 (1879 – 2019) tại một khu rừng dầu tĩnh mịch trên một khu cát trắng cách trung tâm Lagi 12km về hướng Tây Bắc.

Dinh Thay Thim - Lagi Binh Thuan

Dinh Thầy Thím – Nguồn: wikipedia.org

Google maps Dinh Thầy Thím: https://goo.gl/maps/cU3WwoA8GC4TdNHh8

Google maps Mộ Thầy Thím (Cách Dinh 3km): https://goo.gl/maps/yPGDhbG6w2pDCYDH6

2. Đường Đi Dinh Thầy Thím

Nếu bạn đi ô tô riêng, thì từ Tp HCM đi đến Dinh Thầy Thím là khoảng 157km (tính từ đầu cao tốc HCM – Long Thành Dầu Dây men theo quốc lộ 1A), và mất khoản 3 tiếng chạy xe tuỳ vào tốc độ bạn chạy nhé, cẩn thận đoạn Long Khánh hay bị bắn tốc độ. Bạn có thể đi theo các bản đồ đến Dinh Thầy Thím như sau:

Cung đường 1:  TpHCM – Cao Tốc – QL1A – TT Tân Nghĩa – QL55 – TX Lagi – Đường Nguyễn Chí Thanh – Lý Thái Tổ – Dinh Thầy Thím:

Google Maps: https://goo.gl/maps/tT7wgNUotzmpBhrx8

Theo hướng này bạn sẽ đi hết cao tốc, sau đó men theo QL1A đi tầm 140km bạn sẽ rẻ phải vào thị trấn Tân Nghĩa, sau đó đi theo hướng QL55 về trung tâm TX Lagi, từ đây bạn đi theo đường Nguyễn Chí Thanh về xã Tân Tiến khoảng 14km nữa là tới Dinh Thầy Thím, bạn có thể theo maps này mà đi nhé:

Cung đường 2: Nếu bạn muốn tránh các điểm bắn tốc độ của CA Đồng Nai thì đi theo hướng này: TPHCM – Cao Tốc – QL51 – Mỹ Xuân, Ngãi Giao – QL55 – TX Lagi – Đường Nguyễn Chí Thanh – Rẽ phải vào đường ven biển Hùng Vương – Lý Thái Tổ – Dinh Thầy Thím:

Google Maps: https://goo.gl/maps/EYChNg4RA6tBA6ix9

Cung đường này thì tầm 150km nếu bạn đi theo maps mình chỉ. Đặc điểm của cung đường này là đường rộng và vắng, đa số bạn có thể chạy được tốc độ 80km/h, trừ 1 số đoạn vào khu dân cư (chú ý biển báo) là chạy dc 50km/h, thỉnh thoảng cũng có bắn tốc độ nhưng bạn sẽ biết ngay thôi, các xe chạy ngược chiều sẽ nhá đèn báo hiệu. Nếu bạn gặp CSGT thì cũng nên nhá đèn báo hiệu lại nhé. Cá nhân mình thích đi đường này vì khỏi phải căng não vượt xe khách hay container, chỉ 1 đoạn tầm 14km là bạn chạy trên QL51 thì hơi đông xe thôi.

Cung đường 3: Cũng tương tự như cung đường 2 nhưng xa hơn 1 chút, bù lại bạn sẽ đi qua Đồi Cừu, có thể ghé vào chụp hình nhé:

Google maps: https://goo.gl/maps/kpmMytUW1gG7QrDx7

Cung đường này thì cũng tầm 150km, khác chút là bạn sẽ không đi qua Thị Trấn Ngãi Giao mà đi về hướng Hắc Dịch Tóc Tiên và đi hướng Châu Đức, đi ngang qua đồi cừu Suối Nghệ, nếu đi vào mùa xuân và mùa hè bạn nên ghé vào tham quan chụp hình ở đồi cừu nhé.

Với cung đường thứ 2 hay 3 thì có nhiều cây xanh nên bạn cũng sẽ được tận hưởng bầu không khí trong lành của các cung đường ven biển của tỉnh Bà Rịa, bạn có thể tạc ngang qua Đồi Cừu, Suối nước nóng Bình Châu, Hồ Cốc. Mình hay đi cung đường 2, và đã trải nhiều địa điểm ăn uống, cafe rất ngon, mình sẽ update sau nhé, sẽ bao gồm clip quay từ flycam. Bạn nào có ý định đi du lịch Lagi Dinh Thầy Thím, thì alo mình đi chung hoặc mình chở đi nếu đúng dịp mình đi nhé. (Phone 0707.73 75 79, mình ở Tp.HCM)

Nếu bạn đi phượt bằng xe máy thì cũng đi các cung đường trên, tuy nhiên nếu bạn không muốn lái xe thì có thể tìm  các xe khách đi Dinh Thầy Thím, mình cập nhật trước 2 nhà xe mà mình hay đi nhé:

1. Xe Khách A Liêm: TpHCM <-> Tân Hải, Lagi

  • Loại Xe: Xe giường nằm limousine VIP (22 giường),  xe giường nằm bình thường 45 giường, xe ghế ngồi 9 chỗ.
  • Bến Xe ở TpHCM: 139 Bắc Hải, Q10, ngay cổng nhà thiếu nhi quận 10.
  • Bến Xe ở Lagi, Bình Thuận: Xã Tân Hải.
  • Điện Thoại: 0913.848.404 ; 0977.783.132
  • Giờ Xuất Phát:
    • Tp.HCM -> Tân Hải: 8h sáng, 12h trưa, 19h tối
    • Tân Hải -> Tp.HCM: 12h đêm, 2h sáng, 8h sáng, 11h30 trưa

2. Xe Khách Kim Hùng: TpHCM <-> Tân Hải, Lagi

  • Loại Xe: Xe giường nằm limousine VIP (22 giường),  xe giường nằm bình thường 45 giường, xe ghế ngồi 9 chỗ.
  • Bến Xe ở TpHCM: 538 An Dương Vương, P9, Q5
  • Bến Xe ở Lagi, Bình Thuận: 155 Lê Thánh Tôn, TX Lagi
  • Điện Thoại: 098.428.5050 ; 096.328.5050
  • Giờ Xuất Phát:
    • Tp.HCM -> Tân Hải: 6h sáng, 8h sáng, 11h30 trưa, 15h, 17h, 19h, 22h.
    • Tân Hải -> Tp.HCM: 12h đêm, 2h sáng, 4h sáng, 6h, 9h, 12h trưa, 15h, 17h.

Đặc điểm chung của 2 nhà xe này là sẽ đón bạn tại nhà nếu xe tiện đi qua, còn không họ sẽ cho xe ôm đến đón bạn (miễn phí) ra bến xe hoặc đứng chờ ở một số địa điểm mà xe sẽ đi qua như: BV Mắt Điện Biên Phủ, CV Lê Văn Tám, Ngã 4 Hàng Xanh.

Đa số xe khách chạy theo QL1A và không đi qua cao tốc, có dừng ở trạm dừng chân Đại Phú QL1A, nên sẽ lâu hơn, tầm 5 tiếng đến 6 tiếng nha. Khi lên xe bạn sẽ nói là điểm đến là Bến Xe Dinh Thầy Thím nhé, từ bến xe này bạn đi xe ôm đến viếng Dinh Thầy Thím tầm 10p, tốn phí 30k-40k thôi nha. Nếu không biết thì cứ gọi mình nhé (Phone 0707.73 75 79)

3. Sự Tích Dinh Thầy Thím

Khi đến Dinh Thầy Thím, bạn có thể đọc sự tích về Thầy Thím trên tấm bảng này:

Su tich dinh thay thim

Sau đây mình sẽ tóm tắt lại một số nội dung chính nhé:

Ngày xưa, tại vùng đất Tam Tân có 1 đôi vợ chồng đạo sĩ từ xa đến và sống lánh xa trong rừng, làm nghề đốn củi, đóng ghe thuyền, và bốc thuốc cứu người. Ông chồng là người nhân ái và có phép thuật, trừ gian diệt ác, trừng phạt những kẻ hung bạo, cứu dân làng chài qua cơn gió bão, thuần phục cả thú dữ. Sau khi hai vợ chồng này mất, người dân làng chài sót thương, lập đền thờ hằng năm thăm viếng, họ cũng không biết 2 vợ chồng này tên gì nên gọi tên thân mật là ông Thầy, bà Thím, đặt tên đền thờ là Thầy Thím.

Hàng năm vào dịp tảo mộ tháng giêng, dân làng chài thường thấy có 1 đôi Hắc – Bạch hổ đến phủ phục, canh gác. Về sau, khi đôi Hắc – Bạch hổ qua đời, người dân đã chôn cất chúng sát bên đôi mộ của Thầy – Thím.

Ngày 15-9 âm lịch hàng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím, nghĩa cử Thầy – Thím được dân gian lưu truyền. Thế nên, đến đời Thành Thái thứ 18, nhà vua đã xem lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

Mộ Thầy Thím tọa lạc giữa khu rừng Bàu Thông, cách Dinh khoảng 3km về phía Tây, khung cảnh thanh vắng, trữ tình.

Khu mộ có 4 nấm mồ đắp bằng cát trắng vút cao thành 2 hàng, theo truyền thuyết dân gian thì hai mộ phía trước là mộ Thầy – Thím, hai mộ phía sau là đôi Hắc – Bạch Hổ.

Mộ Thầy Thím Lagi Bình Thuận

Sự tích Thầy Thím, trích nguyên văn trên tấm bia ở dinh: 

Theo truyền thuyết: Ngày xưa ở Quảng Nam, có một đạo sĩ giàu lòng nhân ái, võ thuật hơn người thường có những nghĩa cử cao đẹp được dân làng mến mộ. Vì bị nhà Vua xét xử oan ức nên đạo sĩ cùng vợ phiêu bạt vào phương Nam lánh nạn.

Tam Tân, một vùng quê xa xôi và trù phú trở thành nơi dừng chân cuối cùng của vợ chồng đạo sĩ. Và cũng từ đây, những truyền thuyết, đức độ của vợ chồng đạo sĩ được lòng dân hết mực ca ngợi. Họ gọi vợ chồng đạo sĩ là Thầy – Thím.

Ít khi nhắc về thân thế của mình nhưng người trong làng cũng hiểu đôi chút về quá khứ của Thầy. Thầy sinh vào những năm đầu của triều Gia Long, thuở thiếu thời, Thầy vừa cần mẫn dùi mài kinh sử, vừa tầm sư học đạo, nuôi chí giúp đời, ước muốn thoả chí tung hoành ngang dọc. Việc lớn chưa thành, danh chưa toại thì Thầy gặp đại tang, cha mẹ Thầy đột ngột cùng lúc qua đời. Là người con hiếu thảo, Thầy ở lại quê nhà cùng vợ là người cùng phủ chịu tang cha mẹ, sống những ngày tháng kham khổ.

Làng quê Thầy Thím nhiều năm liền bị hạn hán, mất mùa, đời sống của nhân dân cơ cực, cơm không đủ no, nước không đủ uống. Động lòng trước nỗi khốn khổ của dân, Thầy lập đàn khấn nguyện. Trời đang trong xanh bỗng sấm chuyển ầm ầm, mưa như trút nước, cây cỏ hồi sinh.

Từ đó, Thầy nổi danh là một đạo sĩ có tài, dùng phéo thuật của mình để giúp đỡ dân lành. Một lần trong ngày hội đầu năm, dân làng mơ có một mái đình khang trang để thờ phụng Thành Hoàng như ngôi đình to lớn nhưng thiếu người hương khói ở làng bên. Như cảm thông với nỗi khát khao của những tấm lòng thành kính với thần linh, đêm hôm ấy gió mưa dữ dội, chớp giật rung chuyển cả đất trời báo trước một điềm lạ. Quả nhiên, khi trời yên, đất lặng, mọi người thấy ngôi đình mới tọa lạc ngay giữa làng thay thế ngôi đình lá cũ rách. Dân làng kinh ngạc rồi reo hò vui mừng.

Nhưng niềm vui ấy chưa được bao lâu thì làng bên trống dục liên hồi cấp báo về triều tố cáo Thầy dùng phép đánh cắp Đình, âm mưu gây bạo loạn. Thế là Vua nghiêm trị Thầy ở mức án cao nhất. Xong, cẩm thông trước khí khái quân tử, nhà vua gia ân cho Thầy được chọn ba trọng tội hình: Xử trảm, uống thuốc độc hoặc tự thắt cổ. Thầy xin một tấm lụa đào và chọn hình thức sau cùng. Kì lạ thay, khi tấm lụa đào đến tay Thầy bỗng trở nên có sức sống kỳ lạ. Thầy múa xong một bài cũng là lúc tấm lụa biến thành rồng nâng Thầy và Thím bay bổng lên không trung trước nổi kinh hoàng của quan lại và dân làng. Khi bay qua quê mình, Thím còn làm rơi chiếc hài như một lời nhắn thưa từ biệt, rồi lụa rồng bay về phương nam. Từ đó, Thầy – Thím đến cư ngụ tại làng Tam Tân(nay là xã Tân Tiếnm Lagi, tỉnh Bình Thuận), dưới lớp áo của người xa quê đến lập nghiệp.

Lúc đầu Thầy Thím ở trọ nhà ông hộ Hai. Ngày ngày, vợ chồng Thầy làm các nghề đốn củi, đóng ghe, bốc thuốc chữa bệnh cứu người. Có điều lạ là lúc nào bên Thầy cũng có một quả bầu khô, người ta nói Thầy có phép “sái đậu thành binh” tức là “gieo đậu thành binh lính”. Một hôm, nhân lúc thầy vào rừng đốn củi mà quên đem theo quả bầu, chủ nhà tò mò lấy ra xem bỗng lửa phụt ra thiêu rụi cả căn nhà. Sau khi làm lại căn nhà mới cho ông Hộ Hai, và để tránh sự chú ý của nhiều người, vợ chồng Thầy chuyển vào ở hẳn trong rừng sâu gần Bàu Cái. Thế nhưng, càng ở xa dân cư, danh tiếng của Thầy càng lan rộng. Thầy nhận đóng ghe cho ngư dân và giao rất đúng hẹn. Quanh khu rừng vang lên tiếng đãn gỗ, đục đẽo cả ngày, nhưng chưa bao giờ người ta thấy một người giúp việc nào của Thầy. Từ cánh rừng nơi Thầy đóng ghe ra đến biển dài hơn 3km có mach nước nhỏ đổ ra biển, người dân tương truyền đó là dòng nước Thầy dùng gậy tạo ra để đưa ghe ra biển. Lạch nước ấy ngày nay vẫn còn, dân thường gọi là đường lướt ván.

Còn nhiều câu chuyện về lòng nhân ái của Thầy như trừng phạt bọn buôn gạo lợi dụng năm mất mùa bóp chẹt dân nghèo, cứu giúp dân chài trong cơn sóng to gió dữ…Không dừng lại ở đó, Thầy còn cảm hóa cả thú rừng vốn là nỗi nơm nớp lo sợ của nhiều người khi buổi đầu khai phá thiên nhiên hoang dã.

Một ngày mùa thu, được tin Thầy Thím qua đời, dân làng loan báo tin buồn, vội vã vào đến nơi, thì thấy hai ngôi mộ bằng cát trắng phau được thú rừng vun đắp thành mộ ở gần nơi Thầy Thím tạ thế.

Hằng năm, cứ đến mùng 5 tháng giêng âm lịch, người ta thấy có đôi Bạch – Hắc Hổ thường xuyên về tảo mộ, phủ phục gần đó canh gác cho ngôi mộ.

Về sau khi đôi Bạch – Hắc Hổ qua đời, dân làng an táng ngay sau ngôi mộ Thầy – Thím để tưởng nhớ hai con vật có nghĩa, tận trung với người.
Ngày 15/9 âm lịch hằng năm là ngày lễ tế thu Thầy – Thím. Qua khói hương, trong tiếng chuông trầm mặc, nghĩa cử Thầy – Thím vẫn được dân gian lưu truyền. Thế nên đến đời vua Thành Thái năm thứ 18, nhà vua đã xem xét lại án xử trước đây và ban sắc phong cho Thầy – Thím là “Chí Đức Tiên Sinh, Chí Đức Nương Nương Tôn Thần”.

Tổng hợp những hình ảnh về Dinh Thầy Thím (ảnh mình sưu tầm nha):

4. Lễ Hội Dinh Thầy Thím

4.1 Nên đi viếng Dinh Thầy Thím vào thời điểm nào?

Hằng năm có 2 dịp lễ lớn mà nhiều du khách nhất đến viếng dinh, xin lộc Thầy Thím, tỏ lòng thành kính cùng tâm tình ước vọng, cầu mong Thầy Thím phù hộ gặp nhiều may mắn và thành công trong cuộc sống:

  1. Lễ Tảo Mộ, ngày mùng 5 tháng giêng âm lịch.
  2. Lễ Tế Thu, hay còn gọi là ngày Vía Dinh Thầy Thím, kéo dài 3 ngày 14, 15, 16 tháng 9 âm lịch.

Lễ hội Dinh Thầy Thím được tổ chức thường niên

Lễ hội Dinh Thầy Thím gồm những nghi lễ dân gian như: Nghinh thần, rước Sắc phong và Bằng công nhận di tích, lễ dâng hương, nhập điện an vị, cúng ngọ chay, thí thực phát lộc, thỉnh sanh, giỗ Tiền hiền và cúng gia binh. Bên cạnh đó là phần hội với các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc trưng miền biển như hội thi làm mô hình sự tích Thầy Thím, thi kéo co, làm bánh dân gian, đan lưới, khiêng thúng ra khơi, gánh cá, biểu diễn lân – sư – rồng, triển lãm mô hình sự tích Thầy Thím, trình diễn trống hội, chương trình ca múa nhạc, biểu diễn nghệ thuật dân gian miền biển.

 

Chú ý:

Thường vào những dịp lễ lớn này, tất cả khách sạn xung quanh đều “cháy phòng”, bạn nên đặt phòng trước các khách sạn gần dinh Thầy Thím để thuận tiện di chuyển nha.

Ngoài ra, bạn cũng có thể đến viếng dinh Thầy Thím vào dịp cuối tuần, các ngày lễ khác trong năm, thường thì tháng giêng đến tháng 7 và tháng 9 âm lịch hàng năm là nhiều khách đến nhất, vì thời tiết mát mẻ, nắng ráo, thuận tiện cho vui chơi, tắm biển và thưởng thức hải sản.

4.2. Lễ Vật Cúng Dinh Thầy Thím

Quan trọng là sự thành tâm, và tuỳ điều kiện kinh tế nên bạn chuẩn bị được thứ gì thì cúng thứ ấy: chẳng hạn như trái cây, hoa tươi, bánh, gạo, muối, heo quay,…

Sự thành tâm cầu khẩn của bạn sẽ được Thầy Thím chứng giám và phù hộ.

Lễ Vật Cúng Dinh Thầy Thím

4.3 Đi dinh Thầy Thím cầu gì?

Nhiều bạn thắc mắc nên cầu nguyện điều gì khi lần đầu tiên đến dinh. Đa số du khách cầu bình an sức khoẻ cho bản thân và gia đình, cầu cho công việc thuận lợi. Nhưng nếu bạn có 1 điều mà bạn đang rất mong mỏi muốn đạt được, và bản thân đã rất cố gắng nhưng chưa thành công, hãy nguyện trong tâm trước khi đến dinh, và khi đến dinh Thầy Thím, bạn hãy cầu nguyện cho Thầy Thím chứng giám lòng thành và phù hộ.

Mình không thể trả lời câu hỏi “dinh Thầy Thím có linh thiêng không” nhưng theo bản thân trải nghiệm và quan sát du khách, có người đã quay trở lại cúng dinh, tạ lễ sau những lần đầu tiên đến thăm viếng dinh, có người đi rất nhiều lần trong năm, có người năm nào cũng đi 1-2 lần.

4.4 Bài Cúng Dinh Thầy Thím

Nhưng thông thường mình hay xưng hô là:

Kính thưa chư vị hội đồng Dinh Thầy Thím

Con tên là: Nguyễn Văn A, năm sinh, quê quán.

Hôm nay ngày đ/mm/yyyy, nhằm ngày âm lịch, con từ phương xa đến xin bày biện lễ vật gồm: …

Con thành tâm khấn nguyện: …

Xin ơn trên Thầy Thím cùng chư vị hội đồng chứng giám lòng thành và phù hộ cho con đạt được ước nguyện.

Con xin đa tạ.

4.5 Xin lộc Dinh Thầy Thím

Bạn đến cúng dinh, nên xin lộc về nhé, lộc là 1 bịch gạo và 1 bịch muối nhỏ, bạn đem về để chỗ bàn thờ ông địa, thần tài nhé.

Khi viếng mộ Thầy Thím, bạn có thể xin 1 ít cát trắng về bỏ vào lư hương nhé.

5. Biển Dinh Thầy Thím

Một số bạn bảo mình review biển lagi, nhưng với chiều dài bờ biển đến 28km thì mình chưa có dịp đi hết, nhưng chủ yếu có những bãi tắm chính sau:

  • Bãi biển Lagi Coco Beach
  • Bãi biển Cam Bình – TX LaGi
  • Bãi biển Đồi Dương
  • Bãi biển Dinh Thầy Thím

Bạn đọc thêm ở đây nhé: https://blogphuot.info/blog-phuot/tren-nhung-cung-duong/bai-bien-lagi.html

Có dịp mình sẽ đi trải nghiệm và review cho các bạn.

Biển Dinh Thầy Thím
Hoàng hôn trên biển Dinh Thầy Thím

Nhưng nếu bạn đi viếng dinnh Thầy Thím thì tắm biển ở bãi biển gần đó tên là “biển Dinh Thầy Thím”. Cách dinh 3km, đối diện bến xe Dinh là một bãi biển còn rất hoang sơ, tàu cá thường hay cập bến chỗ này, du khách sau đi viếng dinh Thầy Thím xong sẽ về khu này ăn hải sản và tắm biển, vì bãi biển chưa được quy hoạch rõ ràng nên chưa có tên cụ thể mà người dân thường gọi với cái tên dễ nhớ là Biển Dinh Thầy Thím.

Một số lưu ý khi tắm biển ở biển Dinh Thầy Thím:

  • Nên đi nhiều người và tắm gần nhau, chỗ nào đông thì mình tắm, đừng tắm chỗ vắng nhé, vì dễ sụp hố.
  • Mặc áo phao nếu bạn không biết bơi hoặc mặc cho con nít.
Bai Tam Lagi

Tắm xong, làm gì tiếp nhỉ, đi ăn hải sản thôi.

6. Ăn gì, Chơi gì Khi đến Dinh Thầy Thím

Bạn đang muốn tìm quán ăn ngon gần dinh Thầy Thím?

Đa số các quán ăn thường tập trung ở khu vực bãi biển, nếu bạn muốn ăn hải sản thì xuống dưới đó, nhưng 1 đặc điểm là khu đó tập trung đông người, hơi ồn ào. Vậy nên bạn có thể ăn hải sản, cơm trưa, cơm tối tại quán ăn Sáu Tiểu, đối diện Happy View Hotel nhé, giá cả cũng khá bình dân và đa dạng món.

Ngoài ra nếu bạn không ngại đi xa thì có thể lên TX Lagi, cách bến xe Dinh Thầy Thím 12km. Sẵn tiện lên đó bạn  có thể vừa ăn hải sản, đi hát karaoke, uống cafe, vì khu vực bến xe Dinh thì vẫn chưa có quán karaoke nhé, đa số khách thường hát loa kẹo kéo.

Đến với biển thì tất nhiên ăn hải sản như ghẹ, mực, ốc, tôm tích, … nhưng các bạn nhất định phải thử ăn một loại cá tên là “cá bùng binh“, cá này là có thể nướng muối ớt hoặc ngon nhất là nấu cà ri, nóng nóng, cay cay ngon hết sẩy nhé.

Một số quán ăn, nhậu tại TX Lagi:

  • Trung Hoa Quán
  • Làng Nướng Kim Hương
  • Hội quán 1989

Quán cafe tại Lagi:

Có rất nhiều quán cafe lớn tại Lagi như: Thiên Đường, Huyền Thoại, … Nhưng cá nhân mình thích nhất là cafe Phố Đá, quán cf nằm sát bên con suối rất mát mẻ và trong lành, đồ uống cũng đa dạng và rất ngon.

Nếu bạn có nhiều thời gian, mình khuyên các bạn nên ghé thăm:

  • Ngọn Hải Đăng Kê Gà: ngọn hải đăng cổ nhất Đông Nam Á
  • Núi Tà Cú: Có tượng Phật nằm dài 49m, đỉnh núi cao 649m, cáp treo dài 1600m.

Hai địa danh cách dinh Thầy Thím khoảng 17-20km, nhưng đã đến Lagi mà không đến 2 địa điểm này sẽ giống như kiểu “ăn cơm chưa no” vậy, bức rức và bạn sẽ thấy hơi tiếc 1 chút đó.

Thanh xuân như một tách trà,
Trẻ mà không tới Kê Gà Hải Đăng,
Để khi già cả rụng răng,
Uống trà ngẫm lại hết bà thanh xuân.

–ngẫu hứng–

Ngọn Hải Đăng, Mũi Kê Gà Bình Thuận
Ngọn Hải Đăng, Mũi Kê Gà Bình Thuận
Tượng Phật nằm 49m, Núi Tà Cú
Tượng Phật nằm 49m, Núi Tà Cú
 

Kết Luận

Viếng Dinh Thầy Thím, tắm biển lagi, ăn món cà ri cá bùng binh, tắm biển mũi kê gà, tham quan ngọn hải đăng, đi cáp treo ở núi Tà Cú, chụp hình với tượng phật nằm dài 49m, uống cafe ở quán Phố Đá. Hoàn tất các mục trên là coi như bạn đã khám phá được một nửa Lagi rồi nhé.

Hẹn gặp lại các bạn trong các chuyến khám phá Lagi về sau nhé.

Category: Du Lịch Lagi

Next Post: Lễ Hội Dinh Thầy Thím Năm 2020 (14-15-16/9 ÂL) – Thông tin chi tiết đầy đủ nhất Le hoi Dinh Thay Thim 2020»

Reader Interactions

Trackbacks

  1. Lễ Hội Dinh Thầy Thím Năm 2020 (14-15-16/9 ÂL) - Thông tin chi tiết đầy đủ nhất says:
    October 26, 2020 at 4:09 pm

    […] thêm: Dinh Thầy Thím – Tổng Hợp Đầy Đủ, Chi Tiết Nhất Tất Cả Thông Tin Bạn Cần… về truyền thuyết, lịch sử dinh Thầy Thím, đường đi đến dinh Thầy Thím, […]

Primary Sidebar

Happy View Hotel

Address: 472C Lý Thái Tổ, Xã Tân Tiến, TX Lagi, Bình Thuận.

Hotline: 0707 73 75 79 – 09 27 28 26 28

Email: happyviewhotel@gmail.com

 

  • Giới Thiệu
  • Đặt Phòng
  • Chính Sách Bảo Mật
  • Điều Khoản Sử Dụng
  • Kinh Nghiệm Du Lịch
  • Liên Hệ

Site Footer

Happy View Hotel

Address: 472C Lý Thái Tổ, Xã Tân Tiến, TX Lagi, Bình Thuận

Hotline: 0707 73 75 79 – 09 27 28 26 28

Email: happyviewhotel@gmail.com

DMCA.com Protection Status


Deprecated: genesis_footer_creds_text is deprecated since version 3.1.0! Use genesis_pre_get_option_footer_text instead. This filter is no longer supported. You can now modify your footer text using the Theme Settings. in /home/happyviewhotel.com/public_html/wp-includes/functions.php on line 5152

Copyright © 2021 Happy View Hotel. All Rights Reserved.